Bệnh hen suyễn là một trong những căn bệnh mãn tính thuộc đường hô hấp nguy hiểm có biến chứng cao nhất hiện nay, thậm chí là tử vong. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng buồn này là do người bệnh vô tình bỏ qua các triệu chứng của bệnh hen suyễn vì thiếu kiến thức về bệnh. Để giúp bạn thoát khỏi những hậu quả xấu này, bài viết sau đây sẽ chia sẻ cho bạn nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng của bệnh hen suyễn, hãy cùng tìm hiểu nhé!
Contents
Bệnh hen suyễn là gì?
Hen suyễn hay còn được gọi là hen phế quản, là bệnh lý hô hấp mãn tính, hình thành do lớp niêm mạc của ống phế quản bị viêm nhiễm, sưng tấy và dễ xảy ra kích ứng làm cho đường dẫn khí bị thu hẹp lại, ngăn cản không khí đi vào phổi.
Khi tình trạng phù nề trở nên nghiêm trọng, đường dẫn khí sẽ ngày càng thu hẹp vào. Lúc này người bệnh sẽ phải đối diện với tình trạng khò khè và khó thở vô cùng khó chịu.
Hen suyễn có thể được chia làm các loại phổ biến như:
– Bệnh suyễn do hoạt động thể lực.
– Bệnh suyễn về đêm.
– Bệnh suyễn do nghề nghiệp.
– Hen suyễn dị ứng.
Nguyên nhân nào gây nên bệnh hen suyễn?
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh hen suyễn vẫn chưa được xác định cụ thể, tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, có thể nhận thấy các yếu tố gây nên bệnh như:
Do di truyền: Có khoảng 35% – 70% bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn là do di truyền. Nếu gia đình có bố mẹ mắc bệnh hen suyễn thì con cái sinh ra sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn hơn những người bình thường.
Do dị ứng: Những tác nhân dị ứng xung quanh chúng ta như: Lông vật nuôi, phấn hoa, nấm mốc,…đều có thể khiến những người có cơ địa dễ dị ứng lên cơn hen suyễn nặng khi tiếp xúc.
Hút thuốc lá: Người thường xuyên hút thuốc lá sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn, người đang mắc bệnh hen suyễn mà hút thuốc thì sẽ khiến bệnh thêm nặng. Trong khói thuốc lá có chứa chất kích thích đối với khí quản. Không chỉ vậy, những người thụ động hít phải khói thuốc lá nhất là phụ nữ mang thai rất dễ có nguy cơ cao hơn mắc bệnh hen suyễn.
Do nhiễm virus: Nếu hệ hô hấp từ nhỏ bị nhiễm virus RSV hay Parainfluenza, sau này bệnh dễ tái phát dẫn đến thở khò khè, nhiều trẻ bị nhiễm virus đường hô hấp từ nhỏ sẽ phát triển thành hen mãn tính.
Do ô nhiễm không khí: Sinh sống, làm việc trong môi trường nhiều khói bụi sẽ làm tăng nguy cơ hen suyễn, những khu vực thành phố, đô thị tỷ lệ người mắc hen suyễn thường sẽ cao hơn.
Do trẻ nhỏ sức đề kháng kém: Thông thường, bệnh hen mắc phổ biến ở trẻ nhỏ hơn người lớn, bé trai thường mắc bệnh này nhiều hơn bé gái, đến tuổi trưởng thành thì tỷ lệ bị bệnh ở cả 2 giới là ngang nhau.
Hen suyễn do vận động: Người có cường độ vận động và tập luyện thể dục cao rất dễ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. Vì khi vận động mạnh cần rất nhiều không khí điều này đã dẫn đến việc thở nhanh qua miệng khiến đường thở dễ bị hẹp do phản ứng nhiều với không khí khô hanh.
Các nguyên nhân khác: Béo phì, căng thẳng, lo âu quá mức, sang chấn tâm lý, chế độ ăn uống không hợp lý, mang thai, tác dụng phụ của thuốc,…cũng là nguyên nhân gây nên bệnh hen suyễn.
Triệu chứng của bệnh hen suyễn như thế nào?
Các triệu chứng bệnh hen suyễn rất đa dạng, xuất hiện tùy vào mức độ bệnh, tuy nhiên, người bệnh thường gặp phải các triệu chứng phổ biến sau:
Ho nhiều: Cơn ho thường kéo dài và chủ yếu xuất hiện vào ban đêm và đầu buổi sáng sớm, vì khi đó thời tiết có nhiều thay đổi dễ gây kích ứng làm xuất hiện cơn hen, khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi.
Thở khò khè: Đây là triệu chứng điển hình của bệnh hen suyễn. Không khí đi qua phổi bị cản trở bởi ống phế quản bị phù nề sẽ tạo nên âm thanh khò khè. Đặc biệt, người bệnh dễ bị thở khò khè khi gặp không khí lạnh.
Đau thắt ngực: Người bệnh cảm thấy như có vật gì đè nặng hoặc siết chặt ngực khiến họ cảm thấy khó chịu, đau hoặc áp lực.
Khó thở: Vì đường thở bị thu hẹp khi bị viêm, phù nề nên khiến người bệnh bị ngộp, khó thở, không đủ hơi để thở. Kèm theo đó là tình trạng vã mồ hôi, vật vã, nói câu ngắn hoặc từng từ,…
Hơi thở rất nhanh và gấp: Đây cũng là triệu chứng đặc trưng của bệnh hen suyễn. Triệu chứng này sẽ nặng hơn khi người bệnh vận động nhiều như leo cầu thang, chạy bộ, tập thể dục,…
Khạc đờm nhiều: Kết thúc những cơn khó thở người bệnh sẽ có những đợt ho, khạc đờm nhiều. Nếu đờm có màu trắng, dính thì bạn không bị nhiễm trùng, nhưng nếu đờm có màu vàng hoặc xanh thì bạn đang bị nhiễm trùng đường hô hấp.
Mặt nhợt nhạt, mồ hôi: Người bệnh sẽ có dấu hiệu mặt nhợt nhạt, ra mồ hôi, mệt mỏi khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng oxy, cộng với mất ngủ về đêm dẫn đến thiếu sức sống.
Tác hại và biến chứng của bệnh hen suyễn gây nguy hiểm ra sao?
Nếu để lâu ngày không được điều trị thì tác hại và biến chứng của bệnh hen suyễn gây ra rất nguy hiểm cho người bệnh.
Tác hại của bệnh hen suyễn ảnh hưởng đến cuộc sống
Bệnh hen suyễn có thể tái phát thường xuyên, biểu hiện là những cơn ho dai dẳng vào ban đêm, khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi ban ngày, ảnh hưởng đến chất lượng học tập, công việc và những mối quan hệ hằng ngày.
Bệnh hen suyễn gây biến dạng lồng ngực
Hen suyễn khiến đường dẫn khí bị tắc nghẽn, gây khó thở và tích tụ khí trong lồng ngực khiến lồng ngực căng tròn. Nếu để lâu ngày không điều trị sẽ dẫn đến biến dạng lồng ngực, đặc biệt rất nguy hiểm đối với trẻ em.
Biến chứng của bệnh hen suyễn gây tràn khí màng phổi
Nếu tình trạng hen suyễn mãn tính hoặc trường hợp bệnh đang ở giai đoạn nặng, phế nang của người bệnh sẽ bị giãn, áp lực trong phế nang tăng lên, mạch máu thưa thớt dần. Khi nếu người bệnh làm việc nặng nhọc hoặc ho mạnh, thành phế nang dễ bị bục vỡ, gây tràn khí màng phổi và có thể dẫn tới đột tử ở người bệnh.
Biến chứng suy hô hấp
Đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh hen suyễn. Khi không được điều trị, bệnh hen suyễn sẽ khiến cấu trúc phổi và đường hô hấp bị tổn thương nặng làm người bệnh khó thở liên tục, tím tái da và môi, đôi khi xảy ra trường hợp ngừng thở khi ngủ hoặc phải thở máy hỗ trợ, nguy cơ dẫn đến tử vong cao.
Biến chứng của bệnh hen suyễn với phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai rất dễ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn từ tuần 24 – 36. Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh hen suyễn dễ dẫn đến các biến chứng như sản giật, xuất huyết âm đạo, sinh non,…Ngoài ra, con của những phụ nữ bị suyễn khi mang thai cũng nhẹ cân hơn những đứa trẻ trẻ bình thường.
Lời khuyên: “Để tránh trường hợp bệnh hen suyễn tái phát nhiều lần gây nên ảnh những biến chứng nguy hiểm, người bệnh không nên tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà mà hãy đến trực tiếp cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và lên phác đồ điều trị phù hợp.”
Hen suyễn là căn bệnh không nên coi thường, do đó, mỗi người hãy chủ động nắm những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng của hen suyễn để có các biện pháp phòng tránh và điều trị sớm nhất, tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.